Lịch sử Sở_Giao_dịch_Chứng_khoán_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh

Trước năm 1975, tòa nhà của Sở Giao dịch Chứng khoán là Hội trường Diên Hồng thời Việt Nam Cộng hòa, là trụ sở và nơi họp của Thượng viện Việt Nam Cộng hòa, bắt đầu năm 1967 đến 30 tháng 4 năm 1975.[3][4]

Mặt tiền Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí MinhBảng tóm tắt lịch sử của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí MinhTượng đặt trước Sở giao dịch tượng trưng cho thị trường chứng khoán với hình ảnh gấubò tót dựa vào đặc điểm của chúng: Gấu vồ xuống chỉ giá giảm đi và bò tót húc chỉ giá tăng

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, đặt tại số 16 đại lộ Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (số cũ là 45-47 Bến Chương Dương, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây là Hội trường Diên Hồng) được chính thức khánh thành ngày 20 tháng 7 năm 2000, và các giao dịch bắt đầu từ ngày 28 tháng 7 năm 2000. Từ khi thành lập đến ngày 7 tháng 8 năm 2007, mang tên Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSTC). Từ ngày 8 tháng 8 năm 2007, HSTC mới được đổi tên thành Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).

Ngày đầu, có hai đơn vị được niêm yết, đó là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và Công ty cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom). Một tuần chỉ có hai phiên giao dịch. Hiện Sở tổ chức giao dịch 5 ngày mỗi tuần. Đến ngày 5 tháng 3 năm 2012 có 308 công ty và 5 chứng chỉ quỹ đầu tư đăng ký niêm yết. Ngày 6 tháng 2, Sở áp dụng chính thức chỉ số mới là VN30 bao gồm 30 mã chứng khoán của 30 công ty có tỉ lệ vốn hóa lớn nhất trong rổ VN-Index. Theo đó VN30 sẽ có 30 mã chính thức và 10 mã dự phòng, cứ sau 6 tháng sẽ lựa chọn lại 1 lần vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm [5][6][7]

Từ ngày 5 tháng 3 năm 2012, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu thực hiện thêm phiên giao dịch buổi chiều, thời gian giao dịch kéo dài thêm khoảng 1h15, phiên giao dịch sẽ mở cửa vào lúc 9h và kết thúc lúc 14h15, thời gian nghỉ giữa giờ là 11h30 đến 13h.[8][9]

Ban đầu, tổng sở hữu của người nước ngoài bị giới hạn 20% cổ phiếu (kể cả chứng chỉ quỹ đầu tư) và 40% trái phiếu. Tháng 7 năm 2003, nhằm nâng cao sức hấp dẫn của thị trường và thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng như tăng tính thanh khoản, chính phủ đã nâng tỷ lệ sở hữu chứng khoán của nước ngoài lên 30% đối với cổ phiếu và hủy bỏ hoàn toàn tỷ lệ sở hữu hạn chế đối với trái phiếu. Cuối năm 2005, giới hạn sở hữu cổ phiếu của người nước ngoài được tăng lên 49%, trừ đối với ngân hàng vẫn giữ là 30%. Để kiểm soát giới hạn này, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch tại hai trung tâm giao dịch chứng khoán của Việt Nam phải đăng ký để được cấp một mã số giao dịch.

Cuối năm 2006, có 35 công ty chứng khoán được cấp giấy phép. Trong số này, có 9 công ty được phép thực hiện tất cả năm nghiệp vụ chứng khoán: môi giới, lưu ký, tư vấn đầu tư và bảo lãnh phát hành, quản lý quỹ và tự doanh. Vốn điều lệ tối thiểu bắt buộc để công ty được phép thực hiện cả năm nghiệp vụ như vậy là 43 tỷ đồng. Theo Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2007, mức vốn điều lệ tối thiểu đó là 200 tỷ đồng; các công ty đã được cấp phép hoạt động trước đó được gia hạn một thời gian để tăng vốn cho đủ mức quy định.

Đến cuối năm 2007, có 210 công ty niêm yết trên cả hai sàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với mức vốn hóa trên thị trường đạt trên 40% GDP, nếu tính cả trái phiếu, quy mô thị trường đạt gần 50% GDP, đến cuối năm 2007 có khoảng 300.000 nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch trên thị trường[10].

Theo xếp hạng tín dụng của Trung tâm Thông tin Tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến thời điểm đầu tháng 12 năm 2007, có 55 doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng AAA, chiếm 49,55%, con số tương tự tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội là 19 doanh nghiệp, chiếm 21,84%.[11]

Ngày 03 tháng 5 năm 2013, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu khởi công xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng tại khuôn viên rộng 5.000m2, Khu công viên phần mềm Quang Trung, TP.HCM. Trung tâm có nhiệm vụ chính là dự phòng dữ liệu cho trụ sở chính; ngoài ra trung tâm còn có chức năng cho thuê văn phòng, cho thuê chỗ đặt máy chủ đối với các Công ty, tổ chức, đặc biệt là các công ty chứng khoán thành viên. Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn Tier III và được xem là một Data Center với trang thiết bị công nghệ mang tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á. Đến tháng 5/2014, trung tâm đã chính thức được đưa vào sử dụng. Kinh phí xây dựng trung tâm là gần 300 tỷ đồng [12][13].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sở_Giao_dịch_Chứng_khoán_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh http://oldsaigon.tumblr.com/post/22433157189/the-c... http://vnxuavanay.wordpress.com/2011/07/08/h%E1%BB... http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/02/hose-gi... http://taichinh.vnexpress.net/tin-tuc/song-tai-chi... http://taichinh.vnexpress.net/tin-tuc/song-tai-chi... http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_stock_exchang... http://cafef.vn/ong-le-hai-tra-chinh-thuc-duoc-bo-... http://www.hsx.vn http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan... http://www.tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CHEAFD/tu-5-...